Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

Anh hùng Liên Xô kể trận chiến 'ghìm đầu' tiêm kích Mỹ

Thiếu tướng không quân Sergei Kramarenko hôm 16/2 tiết lộ thông tin chưa từng công bố về các trận đánh ác liệt giữa không quân Liên Xô và Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên. Ông là phi công dày dạn kinh nghiệm từng tham gia Thế chiến II, được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô và đẳng cấp Ace nhờ thành tích bắn rơi 21 máy bay đối phương trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Tướng Kramarenko từng điều khiển tiêm kích LaGG-3 và La-5 trong Thế chiến II, trực tiếp bắn rơi 3 máy bay phát xít Đức và hỗ trợ đồng đội hạ 13 chiếc khác. "Chiến thuật và trình độ phi công Liên Xô đã vượt qua Đức vào cuối cuộc chiến. Kinh nghiệm thực chiến đã giúp chúng tôi đối phó hiệu quả với người Mỹ", tướng Kramarenko nói.

Khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra từ năm 1950, Liên Xô và Mỹ, hai đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít, trở thành đối thủ trên hai chiến tuyến. Ngoài cử bộ binh tham gia lực lượng Liên Hợp Quốc chống lại quân đội Triều Tiên, Mỹ triển khai các máy bay F-80, F-84 và mẫu tiêm kích hiện đại nhất F-86 Sabre, dòng chiến đấu cơ vừa được biên chế năm 1949, để chiếm lĩnh bầu trời trên bán đảo Triều Tiên.

Để đáp trả, Liên Xô đã triển khai tiêm kích MiG-15 hiện đại tới Triều Tiên từ tháng 11/1950. Các phi công Liên Xô tham gia huấn luyện phi công Triều Tiên và Trung Quốc cũng như trực tiếp tham gia các trận không chiến với tiêm kích Mỹ.

Tướng Kramarenko hồi năm 2019. Ảnh: Ria Novosti.

Tướng Kramarenko hồi năm 2019. Ảnh: Ria Novosti .

Kramarenko cho rằng phi công Mỹ có nhiều điểm thua kém người Đức. Họ thường tránh các trận không chiến, trong khi phi công Đức luôn sẵn sàng lao vào đối đầu với máy bay Liên Xô. "Ở Triều Tiên, chúng tôi chứng minh rằng phi công Liên Xô không thua kém đối thủ về kỹ năng, thậm chí vượt qua Mỹ về tính năng chiến đấu cơ", tướng không quân này khẳng định.

F-86 Saber có thể đạt tốc độ trên 1.100km/h, cùng khả năng lượn và bổ nhào tốt hơn MiG-15. Chúng cũng cân bằng hơn đối phương về mặt khí động học. Máy bay Mỹ còn được trang bị radar AN/APG-30, giúp phi công lấy đường ngắm và khai hỏa 6 súng máy cỡ nòng 12,7 mm chính xác hơn.

MiG-15 có tốc độ tối đa thấp hơn, chỉ khoảng 1.070 km/h, nhưng sở hữu khả năng tăng tốc, leo cao và cơ động vượt xa F-86. Vũ khí trên tiêm kích Liên Xô thua kém về độ chính xác, nhưng lại áp đảo về uy lực với hai pháo 23 mm và một pháo 37 mm.

Không quân Liên Xô bắt đầu chiến đấu trên bầu trời Triều Tiên từ mùa xuân năm 1951, trong đó Kramarenko xuất kích lần đầu vào ngày 1/4.

"Hôm đó, chúng tôi cất cánh khẩn cấp để đánh chặn một trinh sát cơ được tiêm kích hộ tống. Sau khi đạt độ cao 7.000 m dọc sông Áp Lục, chúng tôi phát hiện đối phương. Một trinh sát cơ Mỹ được 8 tiêm kích hộ tống, trong khi chúng tôi có 4 Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog chiếc MiG-15. Tôi ra lệnh công kích", ông kể lại.

Sự xuất hiện của phi đội MiG-15 Liên Xô khiến trinh sát cơ Mỹ từ bỏ nhiệm vụ và quay đầu về căn cứ, trong khi những chiếc F-86 nghênh chiến. Kramarenko bắn rơi một chiếc Sabre và làm bị thương một phi cơ khác, trong khi phía Mỹ không hạ được máy bay nào của Liên Xô.

Tướng Kramarenko cũng tham gia trận đánh ngày 12/4/1951, sự kiện sau này được phi công Mỹ gọi là "Ngày thứ năm đen tối". Trong cuộc không chiến đó, 30 tiêm kích MiG-15 Liên Xô tấn công đội hình không quân Mỹ gồm 48 oanh tạc cơ chiến lược B-29 được hộ tống bởi 100 chiến đấu cơ F-80 Shooting Star và F-84 Thunderjet.

Phía Mỹ thừa nhận có 10 chiếc B-29 bị bắn rơi tại chỗ hoặc hư hại nặng mà không gây được thiệt hại nào cho lực lượng Liên Xô. Trận đánh gây chấn động tới mức quân đội Mỹ ngừng mọi hoạt động ném bom trên bán đảo Triều Tiên trong ba tháng và sau đó chấm dứt hoàn toàn các đợt không kích ban ngày.

"Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh trận đánh đó, cả một đoàn máy bay duy trì đội hình chiến đấu đẹp như duyệt binh. Chúng tôi đột ngột bổ xuống từ trên đầu họ. Tôi khai hỏa nhằm vào một oanh tạc cơ và bắn thủng khoang nhiên liệu của nó, khiến khói trắng bốc ra. Sau đó các đồng đội của tôi bắt đầu công kích. Có thể nói rằng chúng tôi đã giáng đòn đau cho người Mỹ", tướng Kramarenko kể lại trận đánh "ghìm đầu" máy bay Mỹ.

Kramarenko trong buồng lái chiếc MiG-15 năm 1951. Ảnh: Sputnik.

Kramarenko trong buồng lái chiếc MiG-15 năm 1951. Ảnh: Sputnik .

Kramarenko từng nhiều lần đối đầu với các phi công Mỹ đạt đẳng cấp Ace, danh hiệu dành cho những phi công quân sự hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên. Một trong những trận đánh được ông nhớ nhất là cuộc không chiến với Glenn Eagleston, chỉ huy Phi đoàn số 334 của không quân Mỹ và cũng là cựu chiến binh dày dạn kinh nghiệm từng bắn rơi 18 máy bay phát xít trong Thế chiến II.

"Eagleston dẫn đầu biên đội ba chiếc Sabre. Phi công số 2 và số 3 yểm trợ trong lúc ông ta bổ nhào tấn công mục tiêu. Eagleston bắn trượt, hạ độ cao và xuất hiện cách tôi khoảng 100 m. Tôi lập tức nghiêng trái và bổ nhào, sau đó ông ta lại khai hỏa nhằm vào tôi", tướng Kramarenko cho hay.

Hai bên quần thảo trong nhiều phút, trước khi Kramarenko chiếm được vị trí có lợi và bắn đầu nã pháo vào chiếc F-86, khiến nó bị hư hại nặng. Eagleston hạ độ cao và thoát ly khỏi trận đánh, hai phi công yểm trợ truy đuổi chiếc MiG-15 của Kramarenko. Phi công Liên Xô bay về phía một con đập có trận địa pháo phòng không Triều Tiên và duy trì khoảng cách 800 m với máy bay Mỹ ở phía sau.

"Đột nhiên đạn pháo phòng không nổ liên tục trước mặt tôi. Tôi nghĩ rằng 'thà chết vì quân mình còn hơn' và lao thẳng vào khu vực đó. Tôi đã gặp may khi không phát đạn nào bắn trúng. Những chiếc Sabre cũng ngừng truy đuổi và quay đầu về", Kramarenko nhớ lại.

Eagleston đưa được chiến đấu cơ F-86 trở về căn cứ không quân Kimpo và hạ cánh bằng bụng. Ông bị thương nặng, được đưa về Mỹ và kết thúc sự nghiệp chiến đấu. Bản thân chiếc Sabre hỏng quá nặng và bị loại biên ngay sau đó.

Vận may của Kramarenko dường như kết thúc vào ngày 17/1/1952. Ông đánh quần vòng với hai tiêm kích F-86 và không phát hiện một phi đội khác phía trên mình. Chiếc MiG-15 của ông bị trúng đạn và mất điều khiển, buộc Kramarenko phóng ghế thoát hiểm để nhảy dù. Tuy nhiên, mọi chuyện chưa kết thúc ở đó.

"Đột nhiên máy bay Mỹ vọt qua và bắn về phía tôi. Khoảng cách xa khiến các viên đạn hụt tầm và bay dưới chân tôi. Anh ta vòng lại sau khoảng 400-500 m để khai hỏa một lần nữa, nhưng tôi gặp may khi rơi qua một đám mây. Phi công Mỹ mất dấu tôi và bỏ đi", ông cho biết.

Kramarenko đáp xuống một khu rừng và không bị thương nặng, chỉ có vết sưng ở cổ do va đập khi tiếp đất. Ông thu dù và đi bộ về hướng tây, trước khi phát hiện một người Triều Tiên đang nhặt củi.

"Ông ấy cầm lấy một cây chĩa dài ngay khi thấy tôi vì cho rằng tôi là người Mỹ. Tôi phải hô lên 'Kim Il-sung ho, Stalin ho', 'ho' nghĩa là 'tốt đẹp' trong tiếng Triều Tiên. Ông ấy để tôi ngồi lên xe đẩy và đưa về làng. Họ cho tôi ăn uống và nghỉ ngơi, một chiếc xe đón tôi về căn cứ vào sáng hôm sau. Đó là trận đánh cuối cùng của tôi ở Triều Tiên trước khi trở về Liên Xô", ông kể lại.

Theo Kramarenko, việc phi công Mỹ bắn người nhảy dù không phải điều hiếm gặp. Một đồng đội của ông từng thiệt mạng và một người bị thương vì trúng đạn tiêm kích Mỹ sau khi phóng ghế thoát hiểm.

Một biên đội tiêm kích F-86 Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: USAF.

Một biên đội tiêm kích F-86 Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: USAF .

Trung đoàn Không quân Cận vệ số 176, đơn vị của Kramarenko, mất tổng cộng 8 phi công và 12 máy bay trong suốt cuộc chiến. Họ phá hủy khoảng 50 oanh tạc cơ Mỹ cùng số lượng không xác định tiêm kích đối phương. Bản thân Kramarenko bắn rơi 21 phi cơ nhưng chỉ được ghi nhận thành tích với 13 máy bay, do số còn lại rơi xuống biển và không thể xác định.

Ông tin rằng những trận đánh trên bầu trời Triều Tiên đã ngăn một cuộc chiến tranh tổng lực giữa Liên Xô và Mỹ.

"Người Mỹ từng lên kế hoạch thả 300 quả bom hạt nhân xuống Liên Xô. Chúng tôi cho họ thấy rằng những chiếc B-29 không nên bén mảng tới lãnh thổ của mình. Mỹ từ bỏ chiến lược không kích Liên Xô sau khi chúng tôi vô hiệu hóa 25 oanh tạc cơ chỉ trong một trận đánh ngày 12/4/1951", Kramarenko nói.

Tướng Kramarenko giữ chức chỉ huy cấp trung đoàn và sư đoàn không quân, cũng như cố vấn cho các lực lượng không quân ở nước ngoài. Ông được bổ nhiệm làm phó tham mưu trưởng Tập đoàn Không quân số 23 vào tháng 2/1979, về hưu sau đó hai năm và thực hiện chuyến bay chia tay bầu trời vào năm 1982.

"Giờ đây tôi không thể bay nữa và thấy ghen tị với các phi công trẻ. Tiêm kích ngày nay là những khí tài hiện đại, được trang bị đầy đủ. Có lẽ sẽ rất tuyệt khi được bay xuyên qua những đám mây. Tôi vẫn luôn mơ thấy bầu trời", tướng Kramarenko nói.

Ở độ tuổi 97, Kramarenko là phi công đẳng cấp Ace cuối cùng của Liên Xô trong Chiến tranh Triều Tiên vẫn còn sống.

Vũ Anh (Theo Sputnik )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét